Nếp hạt Cau hay Nếp đen là giống lúa cổ truyền quý giá được gieo cấy nhiều ở xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan), huyện Kim Sơn và một số vùng khác trong tỉnh. Đây là giống lúa cảm quang, trong năm chỉ cấy được duy nhất một vụ, tuy nhiên chất lượng thì ít loại nếp nào sánh bằng bởi hạt gạo trắng, tròn, xôi nấu lên ăn dẻo, ngọt, mềm và rất thơm.
ũng chẳng ai khẳng định được giống Nếp hạt Cau ở đây "ra đời" từ bao giờ, chỉ biết từ đời ông cha họ đã cấy giống lúa này rồi. Đây là thứ nếp mà khi chín vỏ hạt có màu hạt cau nên mới có tên gọi là Nếp hạt Cau. Tuy nhiên, sau khi loại bỏ lớp vỏ thì hạt gạo bên trong lại béo tròn và có màu trắng đục. Gia đình nào mà nấu xôi bằng thứ gạo này thì mùi thơm sẽ quấn quýt, neo đậu khắp trong nhà, ngoài ngõ. Xôi dẻo đến mức để qua đêm đến sáng hôm sau vẫn như vừa mới thổi.
Trước đây, chỉ mỗi khi lễ Tết mới có cơ hội được thưởng thức chứ ngày thường đâu được ăn. Giống lúa ngon như vậy, nhưng ít ai biết được rằng, khoảng 10 năm về trước đã bị thoái hóa nghiêm trọng, sâu bệnh nhiều, năng suất rất thấp. Nông dân chán nản, không còn tha thiết gieo trồng.
Nếp hạt cau chỉ thơm, ngon và có mùi vị đặc trưng khi gieo cấy trên những thửa ruộng quanh nguồn nước khoáng của bản. Sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, trong khi đó, trước nay, bà con áp dụng phương pháp canh tác lạc hậu, cấy nhiều dảnh, để mạ quá già và tự chọn lọc giống theo trực quan, cảm tính.
Điều này dẫn tới lai tạp, lẫn giống, và cứ thế từ vụ này qua vụ khác thì giống lúa dần đánh mất sự thuần chủng, màu sắc, kích cỡ hạt lúa không còn đồng nhất. Sâu bệnh hại ngày càng nhiều, năng suất thấp, chất lượng gạo giảm sút. Một sào lúa nhưng khi thu hoạch chỉ được vài chục cân, có nhà phải đi mót từng bông về. Giống lúa quý đứng trước nguy cơ thoái hóa nguồn gen, thất truyền.
Vào khoảng những năm 2008 - 2010, khi năng suất lúa được đặt lên hàng đầu, phong trào cấy lúa lai cao sản rầm rộ thì các giống lúa truyền thống như Nếp hạt Cau đã từng bị loại bỏ ra khỏi cơ cấu sản xuất, vắng bóng trên đồng ruộng.
Tuy vậy, vẫn có không ít "nỗi nhớ thương" dành cho những hạt Nếp cổ truyền này. Đâu đó, một bộ phận nhân dân vẫn âm thầm lưu giữ, duy trì sản xuất, mặc dù diện tích không nhiều.