Tác giả: Đinh Huyền - 16/08/2022
A A
Ninh Bình: Đẩy mạnh sử dụng tem truy xuất nguồn gốc

Trong thời đại công nghệ phát triển, việc nông dân sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cho các nông sản trở nên phổ biến và quen thuộc. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời hỗ trợ cho các cơ quan chuyên môn trong quá trình quản lý, góp phần vào đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Tem truy xuất nguồn gốc đang được sử dụng phổ biến hiện nay có chứa mã xác thực QR code. Trên bề mặt tem có chứa thông tin được mã hóa, khi sử dụng phần mềm, ứng dụng quét mã, mọi thông tin liên quan về sản phẩm sẽ hiện ra một cách chi tiết và cụ thể. Qua đó, giúp người sản xuất minh bạch trong quy trình sản xuất, chất lượng, xây dựng thương hiệu nông sản. 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, một số sản phẩm như: rau xanh, trái cây… đã sử dụng loại tem này khi cung ứng ra thị trường. Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì điều này có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ đây là thời điểm hình thức mua bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử trở nên phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Với các loại nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ là bước đột phá để nâng cao uy tín, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh cũng như giá trị kinh tế. Sản phẩm chất lượng sẽ có được chỗ đứng nhất định, nhất là những sản phẩm an toàn, hữu cơ, Vietgap, OCOP…

Sản phẩm dán tem truy xuất sẽ giúp người tiêu dùng biết nguồn gốc sản phẩm, lô sản xuất,

vùng sản xuất, thời gian sản xuất... từ đó tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng

Hội Nông dân các cấp đã có sự hỗ trợ kịp thời để giúp người sản xuất nông nghiệp tiếp cận nhiều hơn với khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0. Riêng trong năm 2021, Hội Nông dân tỉnh triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; tập huấn kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ và tiêu thụ hàng hóa. Hội cũng phối hợp với Viễn thông Ninh Bình hỗ trợ 248.000 mã tem điện tử truy xuất nguồn gốc và thương hiệu sản phẩm cho các hộ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó tạo động lực để nông dân tích cực lao động, nâng cao trình độ, công nghệ sản xuất, hình thành các kênh bán hàng hiệu quả, quảng bá sản phẩm uy tín, chất lượng.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ xây dựng, đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Bộ đã công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực này. Những tiêu chuẩn này sẽ dần tạo ra nền tảng giúp chuẩn hóa việc triển khai truy xuất nguồn gốc, đảm bảo việc thu hồi sản phẩm và phân định trách nhiệm khi cần. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã tiến hành triển khai cụ thể dựa trên nhiệm vụ, vai trò của đơn vị, có căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương.

Hiện tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ cho 20 sản phẩm nông nghiệp có tem truy xuất nguồn gốc. Mặc dù kết quả còn khiêm tốn, nhưng đã minh chứng rõ ràng cho hiệu quả ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của của người nông dân trong thời đại công nghệ 4.0.

 

 

Từ khóa :
CÁC TIN KHÁC