Tác giả: Baoninhbinh.org.vn - 16/08/2022
A A
Thu hàng trăm triệu đồng nhờ trồng dưa lưới hữu cơ

Sinh năm 1991, chàng thanh niên Đinh Văn Hợp đã từng trải qua rất nhiều lần thất bại. Thế nhưng với quyết tâm không bỏ cuộc, năm 2020, anh phát triển mô hình trồng dưa lưới hữu cơ trong nhà màng. Từ đây giúp anh khắc phục được các nhược điểm trong lối canh tác truyền thống và mang lại thu nhập từ 300- 400 triệu đồng mỗi năm.

Anh Đinh Văn Hợp bên vườn dưa lưới của gia đình.

Theo con đường bê tông dẫn vào thôn Đoài Khê, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp không quá khó để tìm được vườn trồng dưa lưới của anh Đinh Văn Hợp. Bước chân vào cửa vườn, mùi thơm dịu ngọt của hàng trăm trái dưa đang đến độ thu hoạch khiến mọi người như quên cái cảm giác oi nồng ngoài trời.

Đang lúi húi dưới cuối vườn, anh Hợp vội vàng lau đôi tay vào bộ quần áo lao động, gạt bớt những giọt mồ hôi trên trán khi có khách đến thăm. "Sáng giờ tranh thủ kiểm tra dưa, rồi cắt hơn 200 quả cho khách nên bộ dạng lôi thôi quá em ạ!" kéo chiếc áo bị suột chỉ, anh Hợp vừa vui vẻ phân trần.

Dẫn tôi đi tham quan vườn dưa, anh Hợp cho biết: "Dưa lưới là một trong những loại cây có thời gian sinh trưởng nhanh và cho năng suất cao, thời gian thu hoạch thường từ 80- 90 ngày. Hiện tại vườn dưa có khoảng 2.200 gốc, tuân thủ hoàn toàn theo quy trình chăm sóc hữu cơ, có hệ thống điều khiển tưới nhỏ giọt tự động. 

Vụ này thời tiết khá thuận lợi nên dưa sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, chất lượng quả thơm ngon hơn. Năng suất bình quân đạt 3,5 - 4 tấn/vụ, với giá bán lẻ là 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng/vụ. Một năm có thể trồng hai vụ từ tháng 2 đến tháng 9, sau đó từ tháng 9 bắt đầu trồng dưa chuột Nhật."

Theo anh Hợp, trồng dưa lưới trong nhà màng tuy đầu tư ban đầu cao, song thu được sản phẩm sạch, an toàn, không phụ thuộc vào thời tiết, ngăn ngừa được sâu bệnh hại. Dưa được trồng theo hướng hữu cơ trong nhà màng nên cũng có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt hơn. 

"Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên những sản phẩm sạch, vì vậy việc tiêu thụ đối với các sản phẩm dưa lưới hữu cơ là điều không khó. Hàng ngày dưa chín đến đâu thương lái thu mua đến đó. Thậm chí tôi phải từ chối nhiều đơn đặt hàng vì không đủ nguồn cung phục vụ cho khách".

Không chỉ cho thu nhập cao cho gia đình, hiện mô hình của anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 lao động với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Khi được hỏi về sở thích, anh Hợp cười đáp: "Sở thích lớn nhất của tôi là đếm gân trên vỏ dưa và nhìn thấy những quả dưa nứt ra từng ngày. Từ hình dáng bé xíu bóng bảy ban đầu chúng bắt buộc phải tự làm đau mình, tự xé vỏ bọc mịn màng để lớn lên, thơm ngon hơn. Những quả dưa càng chi chít gân càng chứng tỏ nó đã phải trải qua quá trình trao đổi chất kiên trì, mạnh mẽ. Chắc chắn đó là những quả dưa ngon ngọt".

Chính từ sở thích có phần "kỳ lạ" là được ngắm những trái dưa chằng chịt gân ấy mà anh thanh niên Đinh Văn Hợp đã tự rèn cho mình một đức tính kiên trì, bền bỉ. "Nếu trước kia tôi là một người nhút nhát, ngại khó thì giờ tôi sẵn sàng đương đầu với khó khăn. Bởi suy cho cùng đến quả dưa còn phải chịu mọi đau đớn để khẳng định mình, thì với tôi- một thanh niên sao dễ dàng nản chí được."

Có lẽ bất cứ ai khi gặp anh Đinh Văn Hợp đều bị ấn tượng về một ông chủ vườn giản dị, vui vẻ và như có mối "duyên nợ" với nông nghiệp. 

Sản phẩm dưa lưới của anh Đinh Văn Hợp đã được cấp tem truy xuất nguồn gốc.

Anh kể: "Yên Sơn là xã miền núi, nên cây cối khó canh tác, đất đai khô cằn, sỏi đá, khi thì hạn hán thiếu nước, lúc thì mưa ngập mất mùa. Từ bé tôi đã khắc sâu hình ảnh mẹ tần tảo thức khuya dậy sớm cuốc đất, tiếng cuốc va vào đá sỏi kêu chan chát. Lúc đó tôi đã quyết tâm phải học thật tốt để "thoát ly", không làm nông nghiệp vất vả như bố mẹ.

Vậy là tôi theo học nghề điện của một trường cao đẳng. Tốt nghiệp xong, cũng đi làm đúng nghề. Nhưng có lần vào Thanh Hóa làm điện cho chủ vườn, nhận thấy hiệu quả mà cây dưa lưới mang lại cùng diện tích đất đai bỏ phí nên tôi bỏ nghề trở về quê "khởi nghiệp". 

Tuy nhiên, câu chuyện "khởi nghiệp" của anh Hợp không được thuận lợi và dễ dàng. "Cây dưa đòi hỏi kỹ thuật canh tác tỉ mỉ, trong khi điều kiện thời tiết Yên Sơn bất lợi, nắng lắm mưa nhiều nên năm nào cũng thất bại. Vậy là tôi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh khác thì thấy việc trồng trong nhà màng sẽ khắc phục được nhược điểm này."

Năm 2020, anh thanh niên Đinh Văn Hợp dốc toàn bộ vốn liếng để đầu tư xây dựng nhà màng với diện tích 1000m2. Từ đây, mọi nhược điểm trước đây của cây dưa lưới cơ bản được khắc phục. Ngoài vụ chính trồng dưa lưới, anh còn trồng thêm dưa chuột Nhật cho năng suất cao, tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Chị Nguyễn Thu Hà, Phó Bí thư Đoàn xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp nhận xét: "Anh Đinh Văn Hợp là thanh niên mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, năng động tại địa phương. Mô hình trồng dưa lưới của anh hiện đang cho thu nhập cao và được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. 

Đầu tháng 6 vừa qua, sản phẩm dưa của gia đình anh đã được cấp tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận là sản phẩm an toàn. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm".

Hi vọng đây sẽ là động lực để anh Hợp yên tâm gắn bó và phát triển nông sản theo hướng an toàn, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng.

 

Từ khóa :
CÁC TIN KHÁC